Xây dựng quốc gia Xuân Thân quân

Xuân Thân quân học theo Mạnh Thường quân, Bình Nguyên quân và Tín Lăng quân, cũng nuôi môn khách trong nhà. Ông cũng có hàng ngàn môn khách, trở thành nổi tiếng trong chư hầu. Dù không phải dòng dõi quý tộc nhưng ông cũng được xếp cùng các công tử nước Tề, Triệu, Ngụy gọi là Chiến Quốc tứ công tử.

Thế lực nước Tần càng lớn mạnh, nước Sở và các chư hầu liền kề như Hàn, Triệu, Ngụy bị uy hiếp nặng nề. Hoàng Yết nghe theo kiến nghị của môn khách là Chu Anh, khuyên vua Sở dời đô về Thọ Xuân[4] để tránh xa nước Tần. Đồng thời, ông trả lại đất phong của mình ở Hoài Bắc cho vua Sở để làm bình phong cho kinh đô mới Thọ Xuân. Sở Khảo Liệt vương bèn đổi Hoài Bắc thành quận huyện trực thuộc, lấy vùng Giang Đông, gồm một dải Tô Châu phong cho Hoàng Yết.

Ông sửa sang lại cung điện của Ngô vương Phù Sai trước đây để làm dinh thự[5]. Sau đó ông đào sông Tùng Giang[6]. Hạ lưu sông Tùng Giang lúc đó có tên mới là Hoàng Yết phố (bến Hoàng Yết). Sau này ba chữ Hoàng Yết phố dần dần biến thành Hoàng Phố Giang (sông Hoàng Phố)[1].

Năm 256 TCN, Xuân Thân quân mang quân đi tiêu diệt nước Lỗ, mở mang đất nước Sở về phía bắc, chiếm phía nam Sơn Đông, giáp ranh với nước Tề. Ông cho thuộc hạ là Tuân Huống (tức Tuân Tử) làm huyện lệnh Lan Lăng – trong vùng mới chiếm của nước Lỗ[1].

Dưới sự điều hành của Hoàng Yết, nước Sở trở nên giàu mạnh.